Tiền tệ và các cặp tiền tệ
Bây giờ, chúng ta hãy cùng xem xét xem các loại ngoại tệ được niêm yết tỉ giá như thế nào. Các loại ngoại tệ được quy định bởi ký hiệu gồm 3 ký tự viết tắt. Bảng dưới đây liệt kê các Ký hiệu cho một số loại ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất (hay còn gọi là các đồng tiền chính):
Ký hiệu | Quốc gia | Tên chính thức | Tên thông tục |
USD | Hoa Kỳ | Đô-la (Dollar) | Buck |
EUR | Liên minh Châu Âu | Euro | Fiber |
JPY | Nhật Bản | Yên (Yen) | Yen |
GBP | Vương quốc Anh | Bảng (Pound) | Cable |
CHF | Thụy Sĩ | Phrăng (Franc) | Swissy |
CAD | Canada | Đô-la (Dollar) | Loonie |
AUD | Úc | Đô-la (Dollar) | Aussie |
NZD | New Zealand | Đô-la (Dollar) | Kiwi |
Qua ví dụ ở bài trước, bạn đã biết rằng tiền tệ được giao dịch theo từng cặp, khi bạn mua một loại tiền thì cũng bán một loại khác (chúng ta vẫn gọi nôm na là đổi tiền). Do đó, tiền tệ cũng được niêm yết giá theo cặp vì giá trị của mỗi đồng tiền phải được phản ánh bằng số lượng của một loại tiền khác. Ví dụ như cặp tiền giữa Đô-la Mỹ và Euro được viết là EUR/USD hoặc EURUSD. Đồng tiền có ký hiệu đứng trước trong cặp gọi là đồng tiền cơ sở (base currency) và đồng tiền có ký hiệu đứng sau gọi là đồng tiền định giá (quote currency).
EUR/USD
Đồng tiền cơ sở/Đồng tiền định giá
Các cặp tiền chính là các cặp tiền được giao dịch nhiều nhất có liên quan đến Đô-la Mỹ (USD), bao gồm:
Ký hiệu | Cặp tiền |
EUR/USD | Euro/ Đô-la Mỹ |
USD/JPY | Đô-la Mỹ/ Yên Nhật |
GBP/USD | Bảng Anh/ Đô-la Mỹ |
USD/CHF | Đô-la Mỹ/ Phrăng Thụy Sĩ |
USD/CAD | Đô-la Mỹ/ Đô-la Canada |
AUD/USD | Đô-la Úc/ Đô-la Mỹ |
NZD/USD | Đô-la New Zealand/ Đô-la Mỹ |
Các cặp tiền chéo là các cặp tiền được giao dịch nhiều nhất có các đồng tiền chính, trừ Đô-la Mỹ, như EUR/JPY, EUR/GBP, CAD/CHF, v.v...
Ngoài ra, còn có một số cặp tiền ít thanh khoản hơn, bao gồm đồng tiền của các quốc gia khác như USD/HKD, USD/SGD/, USD/ZAR, v.v... chúng được gọi là các cặp ngoại lai.
Bạn có thể hỏi: "Thế các cặp có ký hiệu ngược lại như USD/EUR, JPY/USD, v.v... có hợp lệ không?". Câu trả lời là "Không". Chỉ có một cặp tiền được quy định giữa hai loại tiền trong thị trường forex. Đây là quy định của thị trường hoặc do lịch sử để lại và bạn phải chấp nhận.
Tỉ giá
Bằng cách niêm yết giá, giá trị của một đồng tiền được xác định bởi sự so sánh giữa nó với một đồng tiền khác. Giá hay tỉ giá của một cặp tiền là số đơn vị đồng tiền định giá cần thiết để mua được một đồng tiền cơ sở.
EUR/USD = 1.3640
có nghĩa là 1 EUR = 1.3640 USD
Đó chỉ là nói đến tỉ giá một cách chung chung, thực tế giá niêm yết trong thị trường forex có phức tạp hơn một chút. Giả sử rằng bạn đang ở sân bay và muốn đổi một ít tiền nội tệ lấy một loại ngoại tệ nào đó. Bạn đến điểm đổi tiền và sẽ thấy ở đó niêm yết 2 mức giá: một mức giá nếu bạn mua ngoại tệ đó và một mức giá nếu bạn bán ngoại tệ đó. Điều đó cũng được áp dụng trong forex, tại đó tỉ giá được niêm yết bởi 2 mức giá: Giá Bid (là giá đặt mua của thị trường và cũng chính là giá bạn có thể bán) và giá Ask (giá chào bán của thị trường và cũng chính là giá bạn có thể mua). Mức giá đứng trước là giá Bid, là giá mà bạn có thể bán đồng tiền cơ sở ra thị trường (có nghĩa là giá mà thị trường sẵn sàng mua của bạn). Mức giá đứng sau là giá Ask, là giá mà bạn có thể mua đồng tiền cơ sở từ thị trường (có nghĩa là giá mà thị trường sẵn sàng bán cho bạn).
EUR/USD = 1.3640/1.3642
Tiền cơ sở/Tiền định giá Giá Bid/Giá Ask
Giá bạn bán ra/Giá bạn mua vào
Giá niêm yết trên có thể được hiểu là: "Nếu bạn muốn bán 1 EUR ra thị trường, bạn sẽ nhận lại 1.3640 USD; còn nếu bạn muốn mua 1 EUR từ thị trường, bạn sẽ phải bỏ ra 1.3642 USD". Đôi khi, tỉ giá có thể được niêm yết dưới dạng rút gọn:
EUR/USD = 1.3640/42
Trước đây, tỉ giá thường được niêm yết ở định dạng 4-2, tức là có 4 hoặc 2 chữ số thập phân sau dấu phẩy ở tỉ giá (4 số cho phần lớn các đồng tiền và 2 số cho Yên Nhật). Gần đây, ngày càng nhiều sàn giao dịch forex niêm yết tỉ giá ở định dạng 5-3, tức là có 5 hoặc 3 chữ số thập phân sau dấu phẩy ở tỉ giá, cho phép báo giá chính xác hơn. Tỉ giá có thể được báo niêm yết như thế này:
EUR/USD = 1.36407/1.36428
Chênh lệch giá (Spread)
Bạn thấy rằng giá bán luôn luôn thấp hơn giá mua. Sự chênh lệch giữa giá bán và giá mua được gọi là Spread. Các sàn môi giới forex thu lợi nhuận qua sự chênh lệch này, và đó là lý do tại sao trong bài học trước chúng ta nói rằng bạn sẽ vẫn mất tiền nếu mua và bán cùng một lúc.
Ngoài ra, chênh lệch spread giữa giá mua và giá bán cũng phản ánh mức độ thanh khoản của một cặp tiền tệ. Bạn sẽ thấy rằng một số cặp tiền, đặc biệt là các cặp tiền chính, có mức chênh lệch spread nhỏ hơn bởi vì cặp tiền đó thanh khoản tốt hơn các cặp tiền khác. Nói cách khác, các cặp tiền đó được giao dịch trên thị trường nhiều hơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét