Sau một năm rúng động vì những cơn địa chấn chính trị, thế giới chào đón năm mới 2017 được dự đoán sẽ không hề dễ dàng. Dưới đây là những sự kiện mà bạn nên để mắt tới vì chúng sẽ định hình nên thế giới trong một năm sắp tới.
Tháng 1: Lễ nhậm chức của Donald Trump
Xét theo tính cách của Trump thì có vẻ như vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ sẽ nóng lòng muốn ghi dấu ấn của mình. Ông đã hứa sẽ nhanh chóng lôi Mỹ ra khỏi hiệp định thương mại tự do TPP, xem xét lại và thay thế đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare, hủy bỏ chính sách về năng lượng xanh của nội các cũ và nhiều điều khác đi ngược lại hoàn toàn so với những gì Tổng thống Obama đã xây dựng.
Giọng điệu của ông Trump trong bài phát biểu nhậm chức và những động thái của ông trong những ngày đầu tiên ở Nhà Trắng sẽ cho chúng ta biết nhiều điều về phương hướng của nội các mới, cho dù Trump vẫn luôn là một người khó đoán.
Một sự kiện đáng chú ý khác liên quan đến Trump sẽ thu hút nhiều sự chú ý của dư luận là cuộc gặp đầu tiên trên cương vị Tổng thống với người đồng cấp đến từ nước Nga Vladimir Putin.
Tháng 3: Anh kích hoạt điều 50
9 tháng sau cuộc trưng cầu dân ý làm đảo lộn mọi chính sách đối ngoại và kinh tế mà nước Anh đã duy trì trong suốt một nửa thế kỷ, Chính phủ nước này dự định sẽ kích hoạt quá trình rời khỏi EU (sẽ diễn ra trong 2 năm tiếp theo) vào cuối tháng 3 tới.
Ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có điều gì rõ ràng, nhưng Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã cam kết sẽ đưa ra kế hoạch trước khi kích hoạt điều 50. Bà May sẽ phải đảm bảo các thị trường không bị sốc, đồng thời đảm bảo khuyến khích đầu tư và giữ vững sự ủng hộ của những người đòi hỏi Anh rời EU. Đạt được cả 3 điều này cùng lúc là điều rất khó khăn.
Nửa đầu năm 2017: Cuộc chiến vì Raqqa
Sau khi khiến thế giới hoảng sợ với những bước tiến ở Syria và Iraq, những phần tử thánh chiến của Tổ chức nhà nước Hồi giáo IS đang lâm vào thế khó trong gần 2 năm nay. Những tháng gần đây, IS đang cố gắng giữ quyền kiểm soát thành phố lớn thứ hai của Iraq là Mosul, nơi các phần tử cực đoan đã chiếm được từ năm 2014.
Tùy theo kết quả của cuộc chiến ở Mosul, những tháng đầu năm 2017 sẽ là cuộc chiến vì Raqqa, thủ đô không chính thức của Syria. Thách thức dành cho chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump là phải thành lập được một liên minh với các lực lượng ở Syria để có thể đánh bại IS.
Tháng 4 – tháng 5: Bầu cử Tổng thống Pháp
Sau Brexit, bầu cử Tổng thống Mỹ và trưng cầu dân ý ở Italy khiến Thủ tướng Matteo Renzi phải từ chức là một loạt cuộc bầu cử có ý nghĩa sống còn với châu Âu. Chính trường Pháp đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Marine Le Pen, ứng viên Tổng thống đến từ đảng Mặt trận dân tộc đi theo chủ nghĩa dân túy.
Mặc dù có thể chiến thắng vòng đầu, bà Le Pen được dự báo sẽ thất bại ở vòng thứ hai và thua cuộc trước ứng viên Francois Fillon của đảng Cộng hòa (theo khuynh hướng bảo thủ).
Tuy nhiên, trong nội bộ các chính đảng đang có sự chia rẽ và bà Le Pen nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhóm cử tri lao động bình dân. Thêm vào đó, những cú sốc bầu cử năm 2016 cho thấy điều gì cũng có thể xảy ra. Nếu bà Le Pen thắng, đó có thể là cuộc khủng hoảng lớn hơn cả Brexit.
Tháng 5: Bầu cử Tổng thống Iran
4 năm qua, ông Hassan Rouhani đã ghi nhiều dấu ấn, đặc biệt là đạt được thỏa thuận hạt nhân với Mỹ và 5 nước lớn khác. Tuy nhiên, khả năng cải cách đổi mới đất nước của ông Rouhani đang bị đe dọa bởi những người mong muốn bảo vệ trật tự cũ.
Giờ đây, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump của nước Mỹ đôi lúc còn đe dọa sẽ xóa bỏ thoat thuận này, Tổng thống Iran còn phải đối mặt với thách thức phải tái đắc cử.
Tương lai của ông Rouhani, hay con đường phía trước của Iran, sẽ ảnh hưởng lớn đến khu vực Trung Đông và cả thế giới.
Suốt cả năm 2017: Fed tăng lãi suất
Lãi suất Mỹ, cùng với giá dầu, là những chỉ số kinh tế có thể khiến thế giới rung lắc chỉ với những thay đổi nhỏ. Đối với nhiều người, câu hỏi chủ chốt của năm 2017 là hai chỉ số này có thể tăng lên mức nào.
Cục dự trữ liên bang Mỹ dự báo lãi suất sẽ tăng 3 lần trong năm 2017. Thị trường thì không tin vào điều đó, trong khi Chủ tịch Janet Yellen (vẫn chưa tính đến những tác động từ ông Trump) thú thực rằng lãi suất có thể tăng cao hơn nữa nếu Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch kích thích tài khóa khổng lồ.
Trái phiếu và những đồng tiền như peso Mexico và lira Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm giá mạnh sau khi Trump đắc cử. Những tài sản này sẽ tiếp tục chịu sức ép nếu chính sách của Trump khiến chi phí đi vay tăng lên trên toàn thế giới.
Cuộc trưng cầu dân ý ở Thổ Nhĩ Kỳ
Gần 15 năm nay, Tổng thống Tayyip Erdogan đã tìm cách mở rộng quyền lực ở Thổ Nhĩ Kỳ và trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mustafa Kemal Ataturk – nhà sáng lập Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.
Năm 2017, có thể cuối cùng ông Erdogan cũng đạt được tham vọng của mình: là người đứng đầu cả Chính phủ và Quốc hội. Sau 1 năm đẫm máu với một cuộc đảo chính và nhiều cuộc tấn công khủng bố, tỷ lệ ủng hộ ông Ergogan đang lên cao. Cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào tháng 4 hoặc tháng 5. Ông Erdogan sẽ củng cố quyền lực nếu người dân chọn “Có”, trong khi phe đối lập khẳng định lá phiếu “Không” là cơ hội cuối cùng để ngăn cản một “kẻ độc tài”.
Mùa thu: Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc
Hiện tại là thời điểm vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế hùng mạnh nhất trong mấy trăm năm trở lại đây. Và ông Tập Cận Bình cũng được coi là nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.
Ông Tập sẽ củng cố thêm quyền lực sau đại hội đảng lần thứ 19 sẽ diễn ra vào mùa thu tới. Chủ tịch Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giữ chức Tổng bí thư đến năm 2022, nhưng điều nhiều người quan tâm là ai sẽ được bổ nhiệm vào các vị trí khác và liệu ông Tập có mở rộng thêm tầm ảnh hưởng bằng cách thăng chức cho những đồng minh của mình hay không.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với những thách thức như tốc độ tăng trưởng chậm nhất 25 năm và thái độ đối đầu của Donald Trump.
Tháng 9 – tháng 10: Bầu cử ở Đức
Thủ tướng Angela Merkel từ lâu vẫn luôn là nhà lãnh đạo quan trọng nhất của châu Âu. Nhưng bước vào năm 2017, bà Merkel phải nhận được sự ủng hộ của các đại cử tri trong nỗ lực tìm kiếm nhiệm kỳ thứ tư.
Lần này bà sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Chính sách chào đón người nhập cư khiến dân chúng phẫn nộ, phong trào bài euro cũng đang dâng cao.
Theo cafef
0 nhận xét:
Đăng nhận xét