Tony Robbins là một diễn giả, đồng thời là tác giả sách nổi tiếng thế giới. Ông đã viết 5 cuốn sách bán chạy và thu hút hơn 50 triệu độc giả thường xuyên thông qua những cuốn sách, video cũng như chương trình trực tuyến.
Robbins đã dành suốt 5 năm để phỏng vấn hơn 50 nhà đầu tư hàng đầu thế giới, tìm hiểu về những chiến lược giúp họ thành công và chia sẻ trong cuốn sách dài 688 trang “Money: Master the Game” (Tạm dịch: Tiền bạc – Hãy làm chủ cuộc chơi). Đây cũng trở thành cuốn sách bán chạy nhất trên New York Times vào năm ngoái.
Ông đã dành nhiều năm phỏng vấn các nhà đầu tư nổi tiếng như Warren Buffett hay Steve Forbes. Điều thú vị nhất mà ông học được từ họ là gì?
Tôi đã phỏng vấn rất nhiều nhà đầu tư và mỗi người lại có một chiến lược khác nhau. Chẳng hạn, tỷ phú John Templeton cho rằng: Bạn phải tận dụng những thời điểm thị trường khó khăn nhất để kiếm nhiều tiền nhất. Hay nói cách khác, hãy mua vào khi tất cả mọi người bán ra. Trong khi đó, Ray Dalio - nhà sáng lập của quỹ đầu tư lớn nhất thế giới Bridgewater Associates lại vạch ra một chiến lược phân bổ tài sản “phù hợp với mọi loại thời tiết” để tránh rủi ro.
Vậy những nhà đầu tư này có đặc điểm nào giống nhau không?
Nếu chúng ta cho rằng các nhà đầu tư thường chấp nhận rủi ro lớn nhất để có phần thưởng lớn nhất thì bạn đã nhầm. Trên thực tế, họ tìm kiếm rủi ro thấp nhất để kiếm được nhiều tiền nhất. Họ biết rằng, nếu để tuột mất 50% tài sản, họ sẽ phải kiếm lại 100% mới quay trở về điểm xuất phát ban đầu.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư thành công đều rất khôn ngoan trong việc tận dụng ưu đãi thuế và đa dạng hóa danh mục đầu tư. Chỉ số phổ biến nhất trên thị trường tài chính là lợi nhuận, nhưng bạn phải lưu ý rằng đó là lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế. Trong khi đó, đa dạng hóa danh mục đầu tư sẽ giúp họ tránh được rủi ro và thu lợi nhuận ngay cả khi thị trường biến động nhất.
Ông có thể nói rõ hơn về đa dạng hóa danh mục đầu tư?
Tất nhiên, bạn có thể đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu hoặc bất động sản… Để tránh rủi ro, bạn phải chia chúng thành các danh mục đầu tư khác nhau. Chẳng hạn, nếu có tiền đầu tư vào bất động sản, bạn cũng đừng đổ tất cả để mua một căn nhà, hãy chia nó thành nhiều căn nhà nhỏ hơn. Nếu bạn có tiền mua cổ phiếu, đừng mua mỗi cổ phiếu của Apple.
Ngoài ra, tất cả các nhà đầu tư đều phải nhớ khi phân chia 50:50 tài sản vào cổ phiếu và trái phiếu tức là bạn đang đầu tư số tiền cân bằng nhưng rủi ro sẽ khác nhau: Cổ phiếu luôn biến động lớn hơn trái phiếu.
Sai lầm tiền bạc lớn nhất trong cuộc đời ông là gì?
Tôi cũng từng phạm nhiều sai lầm trong quản lý tài chính. Khi tôi 25 tuổi và sống tại Marina Del Rey, California, những gia đình xung quanh nơi tôi ở đều rất giàu có. Tôi đã gặp một người phụ nữ lái Rolls Royce.
Bà ta nói rằng bà và chồng đang sở hữu một công ty có cổ phiếu rất rẻ, chỉ vài penny và bà đưa ra lời khuyên đầu tư cho tôi. Tôi đã nghe theo và đầu tư toàn bộ số tiền mình có vào những cổ phiếu giá rẻ. Kết quả là, tôi đã mất tất cả!
Khoản đầu tư lớn nhất trong cuộc đời ông là gì?
Điều này có vẻ hơi trừu tượng, nhưng với tôi khoản đầu tư lớn nhất trong cuộc đời chính là đầu tư vào bản thân. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng nói rằng, khoản đầu tư tuyệt vời nhất của mỗi người đó là nâng cao kỹ năng của bản thân bởi bạn là thứ tài sản quý giá nhất và có khả năng sinh lời cao nhất của chính bạn.
Vậy ông đã bắt đầu như thế nào?
Tôi bắt đầu từ bất động sản. Sự thật là tôi sống ở California và hầu hết mọi người đều kiếm tiền từ bất động sản. Tôi đã mua một căn hộ có 3 phòng từ năm 18 tuổi với mức lãi suất khi đó là 18%.
Ngày nay, tôi thấy nhiều bạn trẻ thường lấy lý do rằng: Tôi không tiết kiệm được 15-20% thu nhập mỗi năm, vì thế tôi không thể đầu tư. Đây là một quan điểm hết sức sai lầm.
Trên thực tế, bạn chẳng cần có đến 20% tiền tiết kiệm từ thu nhập để đầu tư. Mỗi năm, hãy tiết kiệm khoảng 3% thu nhập cũng được. Nếu được tăng lương, hãy tiết kiệm thêm 3% nữa. Cứ tích lũy dần như thế, bạn sẽ có 10-20% thu nhập sau vài năm tiết kiệm.
Thời gian nằm trong tay bạn. Nếu bạn không dám đầu tư, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ thua lỗ. Vì thế, điều quan trọng nhất là bạn phải lao vào cuộc chơi thì mới có thể sở hữu tiền bạc được.
Cha mẹ có vai trò thế nào trong việc định hướng tài chính đối với ông?
Mẹ tôi đã kết hôn 4 lần nhưng tất cả đều đổ vỡ. Và tiền bạc chính là nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã tự nhủ rằng mình sẽ phải quản lý tiền bạc khôn ngoan hơn. Tôi cho rằng tâm lý đóng vai trò quan trọng trong quản lý tiền bạc.
Năm 11 tuổi, gia đình tôi thậm chí còn không đủ tiền cho một bữa tối vào ngày Lễ Tạ Ơn. Một ngày, có một người đàn ông lạ mặt đứng trước cửa nhà tôi với một con gà tây chưa chế biến và một túi thực phẩm lớn. Bố tôi giận dữ không nhận, nhưng người đàn ông vẫn khăng khăng rằng chúng tôi cần nó.
Câu chuyện này đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi nhận ra rằng vẫn có những người lạ sẵn sàng đến giúp đỡ mình trong lúc khó khăn và tôi cũng sẽ làm vậy khi tôi giàu có. Cho đến nay, tôi đã cung cấp 42 triệu bữa ăn miễn phí cho người nghèo và mục tiêu của tôi là giúp đỡ 1 tỷ người.
Ông có đề cập đến tâm lý trong quản lý tài chính, cụ thể nó như thế nào?
Có nhiều người gặp tôi và phàn nàn rằng tiền bạc làm cho họ thay đổi. Nhưng tôi thấy điều này không đúng, tiền không thể thay đổi được bạn, nó chỉ làm cho bạn đến gần hơn với chính mình.
Hầu hết chúng ta đều cố gắng kiếm tiền để đáp ứng nhu cầu hiện tại của bản thân. Khi đạt được mục đích, họ lại thấy rằng đó là chưa đủ và vì thế họ không bao giờ hài lòng với chính mình. Nếu một ngày nào đó, bạn nhận ra mình kiếm tiền không phải chỉ để phục vụ cho nhu cầu của bản thân mà để giúp đỡ nhiều người khác, bạn sẽ có động lực lớn hơn.
Trên một khía cạnh nào đó, tôi tin rằng làm từ thiện chính là khoản đầu tư lớn nhất mà các tỷ phú nên có. Khi bạn gánh trên vai trách nhiệm chăm sóc cho những người khác ngoài bản thân, bạn sẽ có cái nhìn mới về cuộc sống. Nó khác hoàn toàn với những hóa đơn mà bạn phải thanh toán hàng tháng!
Theo Cafef
0 nhận xét:
Đăng nhận xét