Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những yêu cầu mới cho nguồn nhân lực tương lai. Điều này đòi hỏi hệ thống giáo dục Việt Nam cần đổi mới như thế nào để có thể “đứng trên vai những người khổng lồ”?
Thực trạng giáo dục Việt Nam trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Các xu hướng phát triển nhanh mạnh của cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra những yêu cầu vô cùng cấp bách cho sự nghiệp đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo của Việt Nam.
Sau 30 năm thực hiện đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tỷ lệ người dân biết chữ tăng cao, đạt trên 95% - vào loại cao nhất thế giới, đồng thời tỷ lệ tái mù thấp. Việt Nam đã hoàn thành 3/8 Mục tiêu Thiên niên kỷ (DMG) trước thời hạn, trong đó có mục tiêu phổ cập tiểu học. Tổng chi phí cho giáo dục ở Việt Nam so với GDP thuộc loại cao nhất thế giới.
Theo Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2008-2013, tổng chi của xã hội cho giáo dục (bao gồm chi từ ngân sách Nhà nước và chi từ người dân) trong GDP trung bình là 7,2%, cao hơn bình quân các nước phát triển (5,7%) và nước mới phát triển (5,3%).
Tuy nhiên, các chỉ số giáo dục của Việt Nam được đánh giá là chậm chuyển biến và đang tồn tại những hạn chế nhất định đặc biệt là còn nặng về lý thuyết, chưa coi trọng đào tạo kỹ năng làm việc, thiếu gắn kết với thực tế, cơ sở vật chất còn lạc hậu…
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 2012, chỉ số Giáo dục và Nguồn nhân lực của Việt Nam đạt 2,99 điểm – xếp thứ 106 trong tổng số 146 nước và vùng lãnh thổ tham gia xếp hạng trên thế giới. Ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ 15 trong số 18 nước tham gia xếp hạng. Riêng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 6 trên Lào, Campuchia và Myanmar.
Mặc dù Việt Nam cũng có các chính sách khuyến khích phát triển KH&CN và nguồn lực cán bộ KHCN của Việt Nam khá đông đảo nhưng sự phát triển của KHCN và ứng dụng KHCN vào các lĩnh vực của đời sống còn rất hạn chế.
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, năm 2012, chỉ số đổi mới công nghệ đạt 2,8 điểm đứng thứ 113 trong tổng số 146 nước tham gia xếp hạng. Ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 15 trong tổng số 18 nước và trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng đứng thứ 6 trên Lào, Campuchia và Myanmar. Khoảng cách chênh lệch về chỉ số đổi mới công nghệ của Việt Nam so với các nước Singapore, Malaysia và Thái Lan còn quá lớn.
Về công nghệ thông tin và truyền thông, việc triển khai chiến lược phát triển hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin giai đoạn 2011-2020 đã giúp nước ta có những bước chuyển biến mạnh mẽ, nhiều mặt đạt trình độ tiên tiến của thế giới.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 2012 chỉ số Công nghệ thông tin của Việt Nam vẫn đứng thứ 75 trên tổng số 146 nước tham gia xếp hạng, ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ 10 trong tổng số 18 nước tham gia xếp hạng và nếu tính trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam đứng trên Lào, Campuchia, Myanmar, Phillipines và Indonesia.
Bốn cuộc cách mạng công nghiệp
Giải pháp nào để hòa nhập với cuộc cách mạng 4.0?
Trước những tác động tiềm năng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để làm tốt vai trò của ngành giáo dục và đào tạo là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho nền kinh tế đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa càng sâu rộng như hiện nay, khi mà trong một số lĩnh vực nhất định, lao động có thể di chuyển giữa các nước theo những cam kết của AEC, giáo dục đào tạo Việt Nam cần có những chính sách quyết liệt và mạnh mẽ theo các hướng cơ bản sau:
- Thứ nhất, cần xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đào tạo rõ ràng trong đó chỉ rõ sự chuyển dịch của các ngành nghề đào tạo cũng như nâng cao kỹ năng của nhân lực được đào tạo. Coi chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo như là một chiến lược quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển KHCN và kinh tế.
Áp dụng bài học của Mỹ và Nhật Bản khi áp dụng chính sách STEM trong việc đưa ra các chính sách ưu tiên và đầu tư thỏa đáng đối với sinh viên học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán để định hướng lại nghề nghiệp cho sinh viên Việt Nam. Việc nhiều sinh viên giỏi thường lựa chọn các ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng... không nhiều sinh viên giỏi thi vào các trường công nghệ và kỹ thuật đã dẫn đến sự thiếu hụt nhân sự trong một số ngành công nghệ số, tự động hóa và công nghệ thông tin.
Theo báo cáo của VietnamWorks, trong 3 năm gần đây, số lượng công việc của ngành công nghệ thông tin đã tăng trung bình 47%/năm, nhưng số lượng nhân sự (lực) chỉ tăng ở mức 8% (Nguyễn Thanh, 2016). Những sự lựa chọn “lạc hướng” của các thanh niên khi bước vào đại học sẽ là một rào cản lớn khiến nguồn nhân lực của Việt Nam không (khó) đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
- Thứ hai, cần có các chính sách rõ ràng trong việc cải thiện chỉ số giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực thông qua việc nâng cao kỹ năng làm việc cho học sinh sinh viên đặc biệt là kỹ năng làm việc và kỹ năng tiếng Anh để có thể tận dụng được cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại.
Muốn vậy, cần khuyến khích các trường, các bậc học tập trung (1) Tăng các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh ở các trường, các bậc học, qua đó nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh, sinh viên; (2) Đào tạo và nâng cao năng lực tiếng Anh cho giảng viên, đào tạo đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp có trình độ tiếng Anh tốt; (3) Kết nối chặt chẽ giữa cơ quan thực tế và cơ sở đào tạo. Coi quá trình đào tạo nguồn nhân lực là trách nhiệm chung của các bên chứ không phải của riêng các trường;
(4) Tăng dung lượng các học phần giảng dạy do các nhà làm thực tế đảm nhiệm trong các chương trình đào tạo để tăng tính thực tiễn của các chương trình đào tạo; (5) Tăng các bài báo công bố trong các tạp chí có uy tín trong nước và thế giới theo các danh mục chuẩn như ISI và Scopus, tăng tỉ lệ trích dẫn các bài báo, các công trình đối với các trường đào tạo khoa học cơ bản; (6) có những chính sách định hướng nghề nghiệp rõ ràng để tránh tính (tình) trạng học lệch, học chỉ học lý thuyết mà không chịu rèn luyện kỹ năng cũng như thái độ làm việc.
- Thứ ba, cần (có) chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ mới trong đào tạo và quản lý đào tạo qua đó góp phần cải thiện chỉ số đổi mới công nghệ, tăng chỉ số Kinh tế tri thức của Việt Nam.
Cụ thể là (1) đầu tư tăng chi tiêu cho khoa học công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại cho đào tạo nhất là đào tạo nghề; (2) Đổi mới cách thức quản lý đào tạo, ứng dụng các hệ thống quản lý thông minh; (3) Các trường công nghệ và kỹ thuật, phải đặt trọng tâm vào gắn kết với các doanh nghiệp để thực hiện nghiên cứu triển khai để nâng cao khả năng hấp thụ, và nếu tốt hơn là tạo ra các bằng phát minh sáng chế, và để lôi cuốn sinh viên tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
- Thứ tư, đầu tư vào các chương trình, các chính sách để cải thiện chỉ số Công nghệ thông tin và truyền thông thông qua các hình thức như (1) Tăng cường đào tạo về công nghệ thông tin ở các cấp học; (2) Xây dựng chuẩn đầu ra tin học đáp ứng yêu cầu và chuẩn mực quốc tế, qua đó làm văn (căn) cứ và mục tiêu rèn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ thông minh trong quá trình học tập; (3) Xây dựng các nguồn dữ liệu mở để chia sẻ tri thức; (4) Xây dựng xã hội học tập thông qua việc phát triển các chương trình đào tạo trực tuyến chất lượng cao đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mỗi cá nhân.
Có thể nghiên cứu các chính sách yêu cầu học sinh, sinh viên phải học một số học phần trực tuyến (có thể tới 10%) để rèn luyện và tăng khả năng thích ứng linh hoạt, tăng kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh cho sinh viên/học sinh.
Như vậy, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những yêu cầu mới cho nguồn nhân lực tương lai. Điều này đòi hỏi hệ thống giáo dục Việt Nam cần đổi mới để có thể tạo ra những nguồn nhân lực có năng lực vượt trội, có năng lực chuyên môn, có khả năng làm việc với công nghệ thông minh và khả năng ngoại ngữ để có thể “đứng trên vai những người khổng lồ” và tận dụng tốt các cơ hội của cuộc cách mạng này đưa nước ta phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được hình thành dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng số, đặc biệt là việc sử dụng phổ biến internet. Nội dung của cuộc cách mạng là sự phát triển hệ thống liên kết thế giới thực và ảo trên cơ sở vạn vật kết nối internet (Internet of things -IoT) và các hệ thống kết nối internet (Internet of systems - IoS). Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2016 cũng chỉ ra 9 khu vực/lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bao gồm bán lẻ; các nhà máy sản xuất; ngành công nghiệp sản xuất phương tiện vận chuyển; nhà ở; văn phòng; nơi làm việc; các thành phố; môi trường sống và đặc biệt đó yêu cầu về năng lực của nguồn nhân lực – một yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất. |
Theo Dân Trí
0 nhận xét:
Đăng nhận xét