Nhiều người bất chấp rủi ro lao vào gửi tiền đa cấp dù đã có doanh nghiệp, sàn giao dịch bị đánh sập, chủ sàn biến mất.
Trong khi Công ty TNHH Đầu tư Khoáng sản Hoàng Long (Công ty Hoàng Long) huy động vốn đa cấp từ hàng ngàn người với lãi suất 1%/ngày rồi biến mất thì mới đây, tại TP HCM và Hà Nội xuất hiện một số doanh nghiệp mời chào người dân gửi tiền với phương thức tương tự.
Tung hô dự án “ma”
Chị Vân - một đầu mối chuyên phát triển nhóm tiền gửi đa cấp - giới thiệu Công ty TNHH Đầu tư IFG (văn phòng đặt tại cao ốc 169 Nguyễn Ngọc Vũ, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đang huy động vốn với lãi suất 72%/năm (6%/tháng). Theo đó, người chơi có thể tham gia gói đầu tư 5 triệu đồng đến 3 tỉ đồng trong 3 tháng.
“Nếu bạn gửi 20 triệu đồng thì sau 1 tuần nhận lãi 1,9 triệu đồng và sau 3 tháng nhận lãi 23 triệu đồng. Ngoài ra, bạn còn được hưởng hoa hồng 7%-15% khi giới thiệu người khác gửi tiền” - chị Vân thuyết phục. Theo chị, loại hình tiền gửi này mới xuất hiện hơn 1 tháng nay nhưng đã có hàng trăm người tham gia. Công ty IFG dùng tiền của người gửi để đầu tư vào dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Marina Mũi Né và dự án nhà máy Xử lý chất thải bụi lò hồ quang điện ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thấy chúng tôi hoài nghi hoạt động đầu tư của IFG, chị Vân cho biết tháng 1-2017, công ty này sẽ tổ chức tham quan 2 dự án ở Mũi Né và Vũng Tàu để người gửi tiền yên tâm. Lợi nhuận có được từ 2 dự án này sẽ được Công ty IFD chi trả vốn và lãi cho người gửi tiền.
Thế nhưng mới đây, trả lời báo chí, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định không có dự án nhà máy xử lý chất thải bụi lò hồ quang điện ở đây. Chủ dự án Marina Mũi Né cũng xác nhận không có bất kỳ hoạt động hợp tác nào với Công ty IFG.
Truy tìm Hoàng Long
Cách đây 2 tháng, Báo Người Lao Động đã phản ánh Công ty Hoàng Long huy động vốn của nhiều người tại TP HCM để đầu tư vào các dự án khai thác đá quý rồi bỗng dưng biến mất vào giữa tháng 11-2016 (bài “Đa cấp tiền gửi 1 vốn 4 lời”). Hiện nay, nhiều người chơi tiếp tục truy tìm Công ty Hoàng Long đề đòi lại tiền nhưng vẫn chưa tìm ra.
Ngày 20-12, Công ty CP Đầu tư bất động sản Hapulico có công văn gửi Công ty Hoàng Long yêu cầu thanh toán 151 triệu đồng tiền thuê mặt bằng từ ngày 1-1-2017 đến 31-3-2017 mà công ty đã ký hợp đồng vào tháng 7-2016.
Để truy tìm Công ty Hoàng Long, chúng tôi liên hệ với sàn giao dịch bất động Hapulico thì được biết Công ty Hoàng Long đặt văn phòng tại cao ốc 85 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Tuy nhiên, ngày 24-12, nhân viên bảo vệ cao ốc này cho biết văn phòng của Công ty Hoàng Long đã chuyển đi cách đây 1 tháng.
Nhiều người vẫn gửi tiền
Ông Trung, từng là thủ lĩnh của một nhóm người gửi tiền vào Công ty Hoàng Long, cảnh báo chúng tôi sẽ đối mặt rủi ro nếu gửi tiền vào Công ty IFG hay các sàn tiền gửi bằng VNĐ, các loại tiền ảo Bitcoin, Onecoin, Scoin... với lãi suất 1%/ngày vì các chủ sàn không đủ năng lực tài chính để chi trả.
Tháng 10-2016, ông N. và nhiều người khác phản ánh với Báo Người Lao Động rằng họ đã gửi 1.000 bitcoin (1 bitcoin tương đương 15 triệu đồng) thông qua trang web bitcoinplanet.org. Tuy nhiên sau đó, họ phát hiện chủ sàn này đã tạo lập hơn 100 tài khoản ảo để nhận bitcoin, đồng thời trang web bitcoinplanet.org cũng ngưng hoạt động. Sau đó, chủ sàn biến mất.
Trong khi đó, chị Lan - người gửi tiền vào sàn powerzvn.com - cho biết hơn 1 tháng qua, sàn này đã bị đánh sập. Điện thoại di động của các thủ lĩnh sàn cũng ngưng hoạt động.
Thế nhưng, khi chúng tôi ngỏ ý tìm kiếm một sàn tiền gửi có độ an toàn cao, ông Trung liền giới thiệu Questra World - một tập đoàn đến từ Tây Ban Nha. Theo ông Trung, Questra World hoạt động đã 7 năm, phát triển mạng lưới tại 50 quốc gia và trong khoảng thời gian này chưa một lần thay đổi chính sách tiền gửi. Chủ sàn đã có giấy phép đầu tư tài chính, dự kiến sẽ mở văn phòng tại Việt Nam vào quý I/2017.
“Điểm khác biệt so nhiều sàn khác là Questra World có quỹ bảo hiểm vốn cho người gửi, chi trả vốn, tiền gốc và lãi hằng tuần. Như thế, người gửi tiền yên tâm về khả năng chi trả của chủ sàn” - ông Trung thuyết phục.
Hiện nay, nhiều người vẫn tiếp tục tìm đến các sàn tiền gửi trên mạng. Một phụ nữ tên Sương, chuyên làm đầu mối cho nhiều chủ sàn, cho biết tại văn phòng của một doanh nghiệp đặt tại tầng 22 chung cư HQC Plaza (đại lộ Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TP HCM) có hàng chục người gửi tiền qua mạng. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi tên doanh nghiệp thì chị ta từ chối.
“Anh cứ đến chung cư HQC Plaza rồi gọi điện cho tôi. Sau đó, tôi sẽ cung cấp thông tin cụ thể” - người phụ nữ tên Sương nói.
Kinh doanh tiền gửi bị cấm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Đan Mạch, Tổng Thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, cho rằng bản chất bán hàng đa cấp là phải phát sinh sản phẩm hàng hóa. Khi đó, người hoạt động bán hàng thu tiền về sẽ được hưởng hoa hồng. Còn hình thức gửi tiền đến các công ty và nhận lãi mà không qua buôn bán thì là hình thức huy động vốn, kinh doanh tài chính trái phép.
“Không thể coi tiền mặt là mặt hàng kinh doanh được. Kinh doanh tiền bị cấm trong hoạt động đa cấp, doanh nghiệp vi phạm sẽ bị rút giấy phép. Người chơi phải tỉnh táo vì đây là hình thức thu hút nhiều người tham gia, lấy tiền của người sau trả cho người trước. Khi ít người tham gia, không thu được tiền của người chơi nữa, không có tiền để trả cho những người chơi trước thì tất yếu dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn” - ông Mạch nhận định. Ng.Hưởng - Ph.Nhung
Theo Cafef
0 nhận xét:
Đăng nhận xét